Hội Chèo Bơi (thôn Quần Mục - Đại Hợp - Kiến Thụy)
Đại Hợp là đặc trưng cho vùng đất ven biển Kiến Thụy với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội độc đáo. Văn hóa làng biển là bài viết tổng quan giới thiệu về nhận định trên.
Làng biển Đại Hợp nằm bên cửa Đại Bàng, nổi tiếng với câu chuyện huyền thoại về “ Duệ Thánh Minh Khuông” và khúc tình sử giữa người con gái xứ Đông đẹp người đẹp nết với Đô tổng quốc chính Bình an vương Trịnh Tùng; nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa tiến vua và kiến trúc đình Vàng cổ đẹp nhất trong vùng. Biển cho người làng biển cuộc sống và cả những thách thức về sức mạnh của biển. Người làng biển đã sống với biển bao đời và đã tạo nên một nét văn hóa làng biển độc đáo.
Vùng đất này từ xa xưa có tên là Thiên Lộc. Tương truyền hai vị thành hoàng làng là Minh và Khuông người Bắc quốc. Hai vị đều đỗ tiến sĩ được bổ làm quan,trước khi nhậm chức, ngự thuyền chơi bể, gặp bão mà dạt xuống nước Nam. Tới cửa Quyền Môn thấy trên bờ có hai cây ngô đồng hai ông sực nhớ đến điềm ứng mộng mẫu thân truyền lại chiêm bao lên cung trăng bẻ được hai cành ngô đồng mà thụ thai sinh ra hai người. Hai ông trèo lên cây ngô đồng và vịnh bài thơ “Ngô đồng hề ngô đồng do tại. Phượng hoàng hề phượng hoàng hà thê”. Bỗng nhiên trời nổi cơn giông tố, sóng gió ầm ầm rồi tất cả biến mất.
Có một đêm cả làng nằm mơ thấy có hai ông mũ áo chỉnh tề đứng ở bãi bể nói rằng: “ Ta là người Bắc quốc thi đỗ tiến sĩ ngự thuyền chơi bể gặp nạn ở lại nơi đây làm phúc thần”. Sáng dậy cả làng kinh ngạc với giấc mộng hệt nhau, cùng kéo ra bờ biển thì thấy hai cây gỗ, cho là điềm linh ứng bèn sắp lễ bái vọng. Hai cây gỗ được đem về tạc tượng thờ. Khi xẻ gỗ lộ ra dòng chữ “ Duệ Thánh Minh Khuông”, dân làng càng tin thờ làm thành hoàng.
Thế kỷ X có giặc Quách Tiến phương Bắc ( đời nhà Tống) sang quấy nhiễu vùng ven biển xứ Đông, vua Lê Đại Hành phải thân chinh đi dẹp. Đêm trú lại ở làng Thiên Lộc vua chiêm bao hai vị thành hoàng làng xin “ Dực tán thành công, âm phù trợ quốc”. Khi vua giáp trận có các loại cá to trợ chiến nên đã phá tan được bọn giặc biển. Cảm được ân đức đó vua phong cho cả hai vị là Thượng đẳng phúc thần. Các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong. Từ đời vua Tự Đức năm thứ 6, Đồng Khánh thứ 2, Duy Tân thứ 3 và Khải Định thứ 9 có các sắc phong còn lưu giữ được đến nay tại đình làng.
Đại Hợp có nhiều đình chùa, văn bia cổ được xác định có từ thời nhà Mạc và hưng thịnh vào thời Lê – Trịnh. Đình Vàng là đình to đẹp, bề thế, uy nghi nhất vùng kiến trúc theo kiểu cung điện nhà vua, có năm cửa võng đục chạm tứ linh “ long, ly, quy, phượng”. Đình có hai cột trụ to người ôm không xuể được chạm trổ rồng uốn lượn trong tư thế bay lên. Tất cả đều được sơn son thiếp vàng. Dân gian còn truyền tụng cho đến ngày nay “ Xứ Bắc đình Rồng, xứ Đông đình Vàng”; “Đẹp đình Vàng, sang đình Tiểu”. Tiếc rằng do chiến tranh tàn phá đình Vàng chỉ còn lại dấu tích nền đá xanh của bậc thềm và tấm bia cổ.
Người có công xây dựng đình Vàng và trùng tu tôn tạo các đình chùa ở Đại Lộc ngày ấy là bà Nguyễn Thị Ngọc Đĩnh. Tương truyền, một lần Đô tổng quốc chính Bình an vương Trịnh Tùng kinh lý xứ Đông, dừng chân ở một xóm cửa biển, ngỡ ngàng trước người con gái hái dâu xinh đẹp, khỏe mạnh có giọng hát mượt mà cuốn hút đã đón về làm phi. Tình sử giữa bậc đế vương và người con gái miền biển được truyền tụng mãi, đi vào tục ngữ dân gian “ lụa Đại Lộc, bưởi Đại Trà, cam Đồng Dụ, vú sữa Đồ Sơn”. Bà đóng góp tiền của và vận động tôn thất triều Lê – Trịnh cùng dân thập phương hưng công xây dựng đình Vàng, chùa Cối Sơn và nhiều đình chùa khác ở trong vùng. Khi bà mất nhân dân lập miếu thờ, tế lễ hàng năm vào ngày 14/7 (âm lịch).
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đại Lộc có từ thời Lê sơ ( thế kỷ XV), chỉ phát triển mạnh từ thời Mạc và trở nên nổi tiếng cả nước từ thời Lê – Trịnh “ Tơ tằm Đại Lộc văn vi; thuốc lào Tiên Lãng ai bì thơm ngon”. Có lẽ người có công quảng bá, giới thiệu sản phẩm tơ tằm Đại Lộc đến với cung đình chính là thứ phi của Trịnh Tùng , bà Nguyễn Thị Ngọc Đĩnh. Cũng nhờ đó mà nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, buôn bán tơ lụa Đại Lộc ngày càng phát đạt. Một thời thịnh vượng tơ lụa Đại Lộc đã có mặt ở Thăng Long, xuôi vào đàng trong, theo thương gia Tàu đi lên Bắc quốc. Ngày 20 tháng Giêng hàng năm cả làng vào hội tổ nghề tại sân đình Vàng, kính báo Thành hoàng và tổ chức thi tài quay tơ, dệt lụa. Những tấm lụa đẹp đôạt giải là sản phẩm tiến chúa Trịnh vua Lê. Tơ lụa Đại Lộc tồn tại qua nhiều thế kỷ và chỉ mai một khi công nghiệp vải sợi can thiệp.
Biển cho người làng biển cuộc sống và cả những thách thức về sức mạnh của biển. Người làng biển Đại Hợp trung thực, thẳng thắn sớm tôi luyện được bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường dũng cảm, chung sức cộng đồng để chiến thắng thiên tai, giặc dã.
Văn hóa các làng Đại Hợp phong phú, đa dạng, thể hiện rõ sắc thái miền biển và còn lưu giữ được nhiều tập tục hay. Vào ngày mồng hai tháng hai âm lịch hàng năm bà con ngư dân đều có mặt ở đình làng thắp hương cầu nguyện cho một mùa ra khơi, vào lộng gặp nhiều may mắn. Đặc biệt với người dân chài trước và sau mỗi lần ra biển không thể quên thắp nén nhang trước ngôi miếu thần thờ Quan chánh Ngô Thành để được ngài phù hộ. Ngôi miếu gần 200 năm tuổi, có tiếng là linh thiêng đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân làng chài.
Lễ hội chèo bơi, đi kheo Quần Mục được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm nhằm ngày con nước dừng (nước không lên, không xuống). Theo tục lệ, mỗi xóm cử một đội tham gia gồm một thuyền trưởng cầm lái và 12 trai làng khỏe mạnh, hiền hòa, có kinh nghiệm, có kỹ thuật chèo thuyền. Thủ tục này được làm nghiêm túc, công minh, do các bậc cao niên lựa chọn. Từ nhiều hôm trước, các xóm tổ chức phóng thẻ để chọn người. Đúng 8 giờ sáng, Hội dóng 3 hồi trống, gần 40 trai làng của 3 thuyền, với trang phục quần dài, mặc áo nâu, đầu quấn khăn nhiễu điều, lưng thắt bao tượng xanh xuống thuyền chờ lệnh xuất phát. Trên bờ người đứng vòng trong, vòng ngoài hò reo như sấm dậy. Chủ hội gọi loa giới thiệu các thuyền theo vị trí từng số để người xem tiện theo dõi. Theo quy định, từ chỗ thuyền xuất phát tới đích, cự ly khoảng 1000 mét. Vị trí có cắm cọc tre ( vè) giới hạn. Mỗi thuyền phải đi 3 vòng và về 3 vòng. Thuyền nào đủ 6 vòng nhổ vè trước là thắng cuộc.
Sau khi tổ chức chèo bơi, với mục đích là khai việc đầu năm, ban tổ chức lại cho diễn tích trò đi kheo. Kheo là một dụng cụ người dân nơi đây dùng để đi te, bắt tôm, cá biển. Có những cái kheo cao tới 5 mét, nếu kể cả người lẫn kheo thì nhiều khi cao tới gần 7m. Khi diễn ra trò đi kheo, người tham dự được cầm gậy để pha trò rất vui nhộn. Đi kheo rất khó, đòi hỏi người diễn trò phải giữ thăng bằng tốt và có sự bình tĩnh cần thiết. Lễ hội chèo bơi – đi kheo ở Quần Mục – Đại Hợp – Kiến Thụy có từ rất lâu đời và trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Tạo hóa đã ban cho Đại Hợp cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, sông Văn biển cả, ngòi rồng uốn khúc, đồi cát thông reo bốn mùa. Chiều về trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập, câu hò tiếng hát xen lẫn lời mời chào mua bán cá tôm. Đêm tối lấp lánh ánh đèn tàu thuyền như sao sa trên biển.
Theo quy hoạch của thành phố đến năm 2020, Đại Hợp nằm trong khu kinh tế tổng hợp cửa biển Văn Úc. Với diện tích 450 ha rừng ngập mặn chắn sóng, 4,2 km bờ biển là lợi thế để địa phương mở rộng quy mô, phát triển nuôi trồng khai thác thủy hải sản và phát triển du lịch sinh thái. Đây được coi là hướng phát triển chủ yếu, kinh tế mũi nhọn của quê hương Đại Hợp.
Về với Đại Hợp hôm nay, đi trên con đường nhựa phẳng lỳ, hai bên là những ngôi nhà tầng mọc lên san sát, xuôi về rừng thông Đông Tác, lắng nghe tiếng thông reo vi vu, tiếng sóng biển vỗ rì rào, ngắm hệ sinh thái rừng ngập mặn ngút ngàn với bao nhiêu điều hứa hẹn, thả hồn vào cảnh sắc trời biển mà thấy lòng thư thái. Đứng trước biển, lòng người làng biển thấy tự tin hơn bởi vẻ đẹp trường tồn của nó, tin vào khả năng chinh phục của con người, tin vào một ngày mai tươi sáng.